buôn làng trong phố

Không còn “những con đường đất đỏ” (*) giữa thủ phủ Tây Nguyên nữa, thay vào đó là phố xá, đường nhựa và các cửa hiệu sáng đèn. Nhưng giữa tấp nập phố thị, vẫn còn Ako D’hong - buôn làng trong phố với những mái nhà dài cổ, tĩnh lặng và vẹn nguyên bản sắc vắn hóa vùng đất đỏ bazan.

Tượng đặt tại không gian văn hóa Arul House

Buôn Ako D’hong (nay thuộc phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk) theo tiếng dân tộc Ê Đê nghĩa là lũng đầu nguồn. Xưa kia Ako D’hong là rừng hoang phủ kín, kể từ những năm 1960, khi các sơ người Pháp cùng già làng Ama H’rin (M’Drăk) khai hóa đất đai, hướng dẫn người dân lập đồn điền trồng cà phê thì người từ các buôn M’nông, Chư M’ga. M’Drăk… tựu về định canh, định cư. Lúc ấy mới chỉ có chừng 2 chục hộ dân. “Đất lành chim đậu”, từ rừng hoang, Ako D’hong trở nên trù phú. Già làng Ama H’rin ngày ấy thường xuyên tổ chức lễ hội. Điệu múa, lời ca cất lên bên ngọn lửa bập bùng, trong tiếng chiêng hùng hồn vang lên từ những mái nhà dài đơn sơ.

Rẽ vào con đường nhỏ Trần Nhật Duật yên tĩnh, lúp xúp hàng cây chính là buôn Ako D’hong (còn có tên gọi khác là buôn Cô Thôn), nơi có những ngôi nhà dài còn giữ vẹn nguyên bản sắc của đồng bào Ê Đê. Những bản nhạc Pháp trữ tình du dương trong không gian phảng phất hương cà phê ở Arul House, một không gian đượm chất dân tộc. Trần Thị Châu Phương – cô gái người Hội An mới ngoài 30 có dáng người thanh mảnh, từng du học Thụy Sỹ, là cán bộ dự án của một tổ chức phi Chính phủ, trót bén duyên với mảnh đất này, mà bỏ việc, bỏ chốn phồn hoa để về với Ako D’hong gần chục năm nay. Phương cùng chị H’len tích cực lưu giữ và phát triển giá trị văn hóa Tây Nguyên ở Arul House.

Không gian nhà dài của già làng Ama H'rin vẫn còn được giữ nguyên vẹn

“Mẹ H’len là người sưu tầm ký ức”, vừa nói Phương vừa giới thiệu chị H’len – một phụ nữ ngoài 50 đậm chất Tây Nguyên có đôi mắt sáng và giọng nói trầm ấm. H’len được sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà này. Khi cha mất, theo chế độ mẫu hệ, H’len thừa hưởng lại ngôi nhà. Những ký ức và nếp sống từ nhỏ đã thôi thúc chị phải gìn giữ không gian mà chị đã từng sống và lớn lên. Chị sửa lại ngôi nhà theo tiềm thức, sưu tầm từng cột gỗ nhà xưa, từng chiếc gùi, chiêng, ché, chày, nong nia, ghế K’pan, trống H’gor, thuyền độc mộc… “Không có cái gì là mới trong không gian này cả” H’len nói. Từ chùm đèn trần được kết lại từ chục chiếc gùi to nhỏ đã nhuốm màu thời gian đến cái cối giã gạo được trưng dụng để trồng cây. Điểm đặc biệt của ngôi nhà sàn dài Ê Đê mô phỏng kiến trúc hình thuyền, nhắc nhớ con cháu về nguồn gốc của tộc người Ê Đê vốn là dân vùng biển di cư. Cầu thang đầu hồi phía bắc của ngôi nhà có tạc đôi bầu vú tròn đầy của người phụ nữ và bên cạnh là chiếc thang nhỏ hơn dành cho đàn ông.

Tới đây, không những được cảm nhận một không gian thanh bình, yên ả, được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, được hòa mình cùng cuộc sống sinh hoạt truyền thống của đồng bào Ê Đê mà còn được thưởng thức những món ăn đậm chất của người dân tộc như bò ướp củ nén (hành tăm) gác bếp chấm muối kiến vàng, rau sắn xào tóp mỡ hay canh cà nấu thịt, gỏi cà trộn cá khô… Tất cả tạo nên một không gian Ê Đê sống động.

Cách không xa không gian Arul là nhà bác Ama Dit. Bác Ama Dit đã 65 tuổi. Gia đình bác là một trong các gia đình chuyển về Ako D’hong sinh sống từ năm 1969 và còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê. Tuy không còn là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình, nhưng những tấm khăn trải bàn, những chiếc túi thổ cẩm… còn lưu giữ cho Ako D’hong gợi nhớ về nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Thang dành cho phụ nữ của người Ê Đê có đôi bầu ngực phía trên

Theo lời kể của bác Ama Dit, già làng Ama H’rin chính là người lập buôn cùng người Pháp. Đó là vào năm 1956, khi đó, chàng trai 27 tuổi Y Diêm Niê, (tức già làng Ama H’rin sau này. Đồng bào Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người đàn ông sẽ được đặt lại tên theo các giai đoạn lấy vợ, có con và cháu), ở cao nguyên M’Đrắk không khỏi trăn trở khi chứng kiến người thân sống trong cảnh nghèo đói vì đất đai cằn cỗi, cỏ tranh và thú dữ nhiều hơn sông suối.

Sau nhiều ngày ròng rã băng rừngi lội suối tìm nơi định cư, khi đã gần kiệt sức, cũng là lúc đầu nguồn hiện ra con suối. Y Diêm Niê và gia đình đã quyết định ở lại nơi này cũng là lúc người Pháp đang ở Tây Nguyên. Họ lập đồn điền, trồng cà phê, làm kinh tế rất giỏi. Từ đó, ông tìm cách làm quen với người Pháp, học tiếng của họ và học kỹ thuật trồng cà phê. Ngược lại, người Pháp cũng nhờ Ama H’rin phiên dịch và dạy lại các kỹ năng sống của người bản địa cho họ. Sau khi học được cách trồng cà phê, ông về dạy lại cho người trong buôn.

Dần dà, Ama H’rin đã tạo dựng được cơ ngơi tại đây. Ông vừa làm vừa giúp bà con cách làm kinh tế. Chẳng bao lâu sau, chàng trai trẻ Y Diêm Niê đã trở thành thủ lĩnh tinh thần của buôn Ako D’hong và được bầu làm già làng khi chưa đầy 30 tuổi. Đến nay, ngôi nhà của già vẫn được con cháu gìn giữ nguyên vẹn và trở thành không gian văn hóa thu hút khách du lịch đến với Tây Nguyên.

Đã hơn 10 năm kể từ khi già làng Ama H’rin về với tiên tổ, nhưng những giá trị mà già đã tạo dựng cho Ako D’hong, và sau này, thế hệ những người như chị H’len, Phương, bác Ama Dit và nhiều người khác trong buôn tích cực gìn giữ đã bảo tồn cho cao nguyên một không gian văn hóa vô cùng đặc sắc.

(*)Lời trong bài hát “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sỹ Hoàng Vân sáng tác năm 1982.

- bài: Thục Anh

- ảnh Ngọc Đào

Đang xem: buôn làng trong phố

icon liên lạc